Thực hiện Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 10/05/2024 của UBND thành phố về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân xã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024

 I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia thực hiện Chương trình.

Kế hoạch được phê duyệt là căn cứ để xác định các nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

2. Yêu cầu

Các ban, ngành, đoàn thể và các thôn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 (gọi tắt là Chương trình) gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Việc tổ chức triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình phải phù hợp với các quy định và điều kiện thực tế trên địa bàn xã và đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Thực hiện lồng ghép hiệu quả, đúng quy định các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ.

II. MỤC TIÊU

  1. Mục tiêu cụ thể:  Giảm nghèo 3 hộ đạt tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,15%

2. Chỉ tiêu

a) Các kết quả và chỉ tiêu chủ yếu:

- Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế.

- Phấn đấu 95% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

- 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo từ xã đến thôn được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.

b) Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản

- Chiều thiếu hụt về việc làm:

+ 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm;

+ Tối thiểu 95% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công;

- Chiều thiếu hụt về y tế: 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh theo đúng quy định.

- Chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo:

+ 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi;

+ Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 35%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.

- Chiều thiếu hụt về nhà ở: Phấn đấu 100% hộ nghèo có nhà ở đảm bảo an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

- Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Chiều thiếu hụt về thông tin: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet.

III. CÁC DỰ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

a) Đối tượng:

- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi toàn xã. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo;

- Ưu tiên người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện mô hình, dự án giảm nghèo.

b) Nội dung:

- Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ  phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;

- Tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất; mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh;

- Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

2. Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng

2.1 Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp

a) Đối tượng: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi toàn xã; hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.

b) Nội dung:

+ Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: Tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hỗ trợ khác theo quy định;

+ Hỗ trợ phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng;

+ Tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.

2.2 Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng

- Đối tượng: Trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

- Nội dung hỗ trợ:

+ Hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

+ Tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi).

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí từ ngân sách các cấp

a) Nguồn kinh phí chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội: số 104/2023/NQ-QH15 ngày 10/11/2023 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 ; số 108/2023/NQ-QH15 ngày 29/11/2023 về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

b) Nguồn kinh phí được được giao tại Quyết định số 884/QĐ-UBND ngày 22/04/2024 của UBND thành phố Hà Tĩnh về việc phân bổ kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024; Quyết định số 991/QĐ-UBND ngày 09/05/2024 của UBND thành phố Hà Tĩnh về việc phân bổ kế hoạch vốn nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024- Tiểu dự án: Cải thiện dinh dưỡng;

2. Nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án liên quan.

3. Vốn tín dụng; vốn huy động hợp pháp khác (nếu có).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công chức Văn hóa - Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với hội nông dân và các thôn thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

- Tham mưu các Kế hoạch: Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở xã và thôn; truyền thông về giảm nghèo; giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn xã.

- Hướng dẫn các thôn tổ chức rà soát, điều tra, xét duyệt, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Chủ trì phối hợp với các thôn tổng hợp, phân tích, xử lý kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phê duyệt, công bố.

- Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các thôn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

- Trước ngày 20 hàng tháng, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện: Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo báo cáo ban chỉ đạo giảm nghèo.

- Thực hiện đầy đủ việc đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội theo chính sách của Trung ương và của Tỉnh.

- Nắm bắt, triển khai phối hợp với Ủy ban MTTQ xã thực hiện tốt việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

2. Công chức tài chính kế toán:

- Đảm bảo việc giải ngân các nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định của luật ngân sách.

- Thường xuyên báo cáo kịp thời tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo.

3. Ban khuyến nông, hội nông dân:

 Phối hợp với công chức văn hóa – xã hội khảo sát nhu cầu các hộ gia đình hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo 36 tháng thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Thường xuyên bám sát các hộ, năm bắt động viên các hộ thực hiện mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ các hộ trong quá trình thực hiện.

Chủ trì, phối hợp thôn tổ chức thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, ban hành kế hoạch thực hiện Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

Trước ngày 20 hàng tháng, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 trên địa bàn xã gửi công chức văn hóa xã hội phụ trách công tác giảm nghèo tổng hợp báo cáo kịp thời lên ban chỉ đạo giảm nghèo của xã.

4.  Trạm Y tế:

 Chủ trì, phối hợp với các thôn, các cộng tác viên dân số y tế thôn bản, phụ trách công tác gia đình tổ chức thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3: Cải thiện dinh dưỡng. Từng bước nghiên cứu, tham mưu chính sách nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; ban hành kế hoạch thực hiện cải thiện dinh dưỡng; tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

Trước ngày 20 hàng tháng, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 trên địa bàn địa bàn xã gửi công chức văn hóa xã hội phụ trách công tác giảm nghèo tổng hợp báo cáo kịp thời lên ban chỉ đạo giảm nghèo của xã.

5. Công chức Văn hóa - Thông tin:

Chủ trì, phối hợp với các thôn thực hiện việc tuyên truyền về mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo của các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong Chương trình giảm nghèo.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, góp phần tăng độ bao phủ tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng được hỗ trợ từ Ngân sách tỉnh.

6. Công chức Địa chính xây dựng: Phối hợp Công chức VHXH thực hiện khảo sát và đánh giá chất lượng nhà ở, thiếu hụt nhà ở của  hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo để tham mưu thực hiện Chương trình xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị thiệt hại do thiên tai.

7. Công chức Tư pháp: Chủ trì, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể các thôn thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp.

8. Các trường học trên địa bàn:

Chủ trì hướng dẫn, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh diện hộ nghèo, cận nghèo; học sinh khuyết tật. Lồng ghép các chương trình, dự án về giáo dục và đào tạo thuộc ngành phụ trách với Chương trình giảm nghèo.

9. Chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, hội nông dân, Đoàn thanh niên: Chủ trì, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định.

10. Công chức văn phòng thống kê: Phối hợp với công chức văn hóa – xã hội công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình của xã; phối hợp phân tích số liệu rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo làm căn cứ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bố trí nguồn lực đầu tư cho Chương trình giảm nghèo.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng các hoạt động  “Vì người nghèo” và Phong trào thi đua “Hà Tĩnh vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

- Chủ trì, phát động “Tháng cao điểm vì người nghèo”; vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để tạo nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

- Tăng cường giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

12. Các thôn trên địa bàn xã

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân về công tác giảm nghèo bền vững; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện Chương trình giảm nghèo; phân công rõ trách nhiệm cho từng cán bộ, chi hội chi đoàn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

- Thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 đảm bảo khách quan, chính xác; quản lý, nắm chắc số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn và nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả; chú trọng việc vận động dòng họ, cộng đồng dân cư hỗ trợ, động viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

UBND xã yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể và 11 thôn triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch. Định kỳ hàng tháng (trước ngày 20) báo cáo kết quả thực hiện giải ngân nguồn vốn được giao theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về UBND xã để được hướng dẫn; trường hợp vượt thẩm quyền UBND xã tổng hợp, báo cáo, đề xuất phòng lao động thương binh xã hội thành phố và UBND thành phố chỉ đạo kịp thời./.

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 222.413
    Online: 30